Chữa viêm loét dạ dày tận gốc hiệu quả cao

Chữa viêm loét dạ dày tận gốc hiệu quả cao
Viêm loét dạ dày là một căn bệnh khó chữa, nó ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của người bệnh. Vậy có cách nào để loại trừ tận gốc căn bệnh này không? Chúng ta hãy lắng nghe ý kiến của Bác sĩ Lương Lễ Hoàng (Trung tâm Oxy cao áp TP.HCM) về vấn đề này.


Có rất nhiều bạn đọc hỏi về biện pháp giải quyết bệnh viêm loét dạ dày tận gốc. Thậm chí có bạn còn đề nghị phổ biến bài thuốc gia truyền nào đó có khả năng trị dứt điểm bệnh viêm loét dạ dày! Nhưng điều đó không đơn giản, vì có nhiều yếu tố khiến viêm loét dạ dày rất khó lành. Muốn bệnh không tái phát thì cách tốt nhất là phải tìm ra nguyên nhân phá bĩnh của căn bệnh này.



Theo phân tích của bác sĩ Hoàng, với vi khuẩn Helicobacter chực chờ trong bao tử để "ném đá giấu tay" thì bệnh nếu hôm nay thuyên giảm chỉ là một bước lùi chiến thuật. Bên cạnh biện pháp tầm soát định kỳ, việc chữa trị đến nơi đến chốn với xác minh qua xét nghiệm trước và sau liệu trình là điều kiện tiên quyết để vết loét mau lành. Nhưng xin đừng quên là viêm loét dạ dày có thể tái đi tái lại vì nhiều bệnh khác, chẳng hạn viêm gan, viêm tụy... Cũng nên nhớ là vết loét khó lành nếu người bệnh quá suy nhược. Toa thuốc trị viêm loét dạ dày nếu chỉ có thuốc giảm đau, chống co thắt, kháng acid... thì trên thực tế chỉ có lợi cho thầy thuốc vì bệnh nhân thế nào cũng phải tái khám, và có lợi cho nhà thuốc vì thân chủ sớm muộn cũng trở thành "khách hàng thân thiết"! Vậy phải làm cách nào?



Dùng thuốc đúng cách



Đọc kỹ hướng dẫn trước khi dùng thuốc. Chính vì hoặc không hề đọc hoặc đọc quá kỹ nên nhiều người bệnh vẫn tưởng hễ đau dạ dày chỉ cần thuốc dạ dày. Đúng nhưng thiếu, vì thuốc trị viêm loét dạ dày khó có thể triển khai tác dụng như mong muốn nếu người bệnh không được giải thích tường tận về cách dùng thuốc, về phản ứng tương tác của thuốc. Nhiều người dốc túi mua thuốc đau dạ dày nhưng rồi chỉ để thêm đau lòng chẳng qua vì tuy chọn đúng thuốc nhưng lại sai cách dùng thuốc. 



Uống thuốc dạ dày mà chỉ tập trung vào bữa ăn, như chỉ dẫn trên tờ bướm thì chỉ là "chữa cháy" cầm chừng vì vết loét thường tái phát do người bệnh vừa trăn trở thâu đêm, vừa không thể ăn trong khi... ngủ! Đó là chưa kể bệnh dễ tái phát vì rất nhiều người bệnh ngưng thuốc quá sớm. Không ngưng sao được vì vừa tốn tiền vừa "ớn" khi đọc phần phản ứng phụ của thuốc!



Không nói làm chi đến trường hợp cẩu thả hay cố tình nuôi bệnh, thầy thuốc cho dù có cố gắng hết mình thì hiệu quả cũng chẳng được bao nhiêu, cũng chẳng kéo dài được bao lâu nếu tầm nhìn của nhà điều trị chỉ tập trung vào... dạ dày! Viêm loét dạ dày trên thực tế chỉ là hậu quả của rối loạn đâu đó nằm rất xa trục tiêu hóa. Ngày nào người bệnh không được điều trị như một tổng thể cá biệt trên cả hai mặt tâm thể thì nhà thuốc khỏe re vì thuốc đau dạ dày bảo đảm không ế! Có một điều chắc chắn, người bệnh nhiều khi không cần đổi thuốc nếu trị bệnh cả năm không hết, thường chỉ cần đổi... thầy!



Tự trả lời hai câu hỏi



 Lỗi tại cuộc đời

Thử hỏi viêm loét dạ dày làm sao không tái phát nếu người bệnh trải dài cuộc sống với nỗi lo nào đó, với cái sợ mất việc, với học phí cao ngất của con, với nhà đất chưa có sổ đỏ... Thuốc hay có thể tạm chữa lành vết loét, thầy giỏi có thể chữa dứt cơn bệnh nhưng liệu thuốc nào, thầy nào có thể trị lành căn bệnh nếu nạn nhân và thủ phạm là hình với bóng? Nếu nguyên nhân sinh bệnh chính là... gia chủ thì không lạ gì khi bệnh khó lành.

Nhiều người bệnh thay vì đổi thầy, thay vì đổi thuốc, sau thời gian dài sống hoài với cảnh bệnh tái đi tái lại, nên trước hết can đảm đối thoại với chính bản thân để tự trả lời hai câu hỏi: 


- Nếp sinh hoạt của bạn hiện nay, từ chế độ dinh dưỡng cho đến thời biểu nghỉ ngơi, có là đòn bẩy để dịch vị được bài tiết quá độ trong lúc dạ dày trống rỗng hay không? 



- Bạn có điều gì lo lắng đến độ nỗi buồn đang chiếm ưu thế trong cuộc sống của bạn? 



Chỉ cần một câu trả lời với "có" thì bạn đừng lấy làm lạ nếu bệnh mới hôm qua tạm yên thì nay đã trở lại như kỷ niệm khó quên, không mời cũng đến. 

(Theo Tuổi trẻ)

0 nhận xét: